Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Ẩn

Chiều nắng giữa đông, mình xách xe sang thăm thầy. Nói là sang thăm, kỳ thực cũng là mong được học tập về đạo, về đời với thầy.
Hai thầy trò ngồi nói chuyện Ta-Người, chuyện Tàu-Tây, rồi đạo Phật, đạo Chúa...Hồi lâu lại nói về chữ "Ẩn".Về nhà ngẫm lại mới hiểu thấm thía vì sao Tôn Tử lại đặt kế "Tẩu vi thượng sách" ở vị trí cuối cùng trong bộ "Tôn Tử binh pháp" của ông ấy. Thoạt đầu đọc Tôn Tử binh pháp, mình nghĩ rằng kế thứ 36 là kế cuối cùng, tức là nếu xài hết 35 kế kia mà không xong thì "chuồn". Thực ra nào phải thế, kế "chuồn" mới là thượng kế, là kế hàng đầu. Vị trí của kế thứ 36 ở cuối cùng mà cũng chính là đầu, cuối mà cũng là còn, "chuồn" thì sẽ còn bảo toàn được tính mạng. Tính mạng còn thì còn làm lại được từ đầu, cũng như quẻ Vị Tế của Kinh Dịch vậy. Quẻ tuy ở vị trí thứ 64, là vị trí cuối cùng mà lại có nghĩa "cuối mà chẳng phải cuối" hay "hết mà vẫn còn". Triết lý về đạo "chuồn" thật cao sâu. Cuối mà chẳng phải cuối, cuối cũng là đầu, đầu cũng là cuối, đích đến của chặng đường này cũng là vạch xuất phát cho chặng đường kế tiếp. Vô thủy vô chung.
Chợt nhớ các vua Trần, nhớ các nhân vật Trương Lương, Phạm Lãi...Lại nhớ tướng quân Trần Khánh Dư từng viết lời tựa cho quyển "Binh thư yếu lược" của Trần Hưng Đạo:
"Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận
Người giỏi bày trận thì không cần phải đánh
Người giỏi đánh thì không thua
Người khéo thua thì không chết"
Ừ, khéo thua thì không chết. Còn sống thì ta còn tiếp tục. Nghĩ thế, mình bèn mỉm cười.
Ẩn đi nào có phải vì sân, si gì đâu mà chẳng qua là xa rời chốn ấy vậy thôi, rồi mai này mình lại tiếp tục ở chặng đường mới còn tốt hơn thế.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Mai nở sớm

Năm nay mai chào đời sớm quá. 
Không biết lòng người có hối hả ? 


Hoa lan thì vẫn nở quanh năm
Hỏi chăng lòng người có thanh thản ?





Ăn "Hậu Tận Thế"

Chiều tối 24-12, trong khi đông đảo những người theo đạo Thiên Chúa tất bật làm lễ kỷ niệm ngày Chúa giáng sinh và dân "ăn theo" cũng chạy rảo rảo gọi là "ăn Noel" thì các Dì các Cậu cũng tụ tập bên nhau nè ! Như đã hẹn, hôm nay mọi người sẽ ăn "Hậu Tận Thế" !
Số là mấy hôm trước ngày 21-12, mọi người bảo nhau là nếu qua khỏi ngày Tận thế mà hổng sao thì sẽ ăn mừng "We're still alive !" sau "ngày Tận thế" tại bến sông chỗ nhà cậu Tài. 

Mọi người kéo nhau đến nhà cậu Tài, mỗi gia đình mang theo món ăn nhẹ gì đó. Dì Tự mang đến món gỏi cuốn nhưng chưa cuốn, thế là mọi người xúm nhau làm cấp tốc. Món này ngon lắm bà con ! Rồi nào là chè chuối của Cô Tuyết, rồi trái cây, bánh bông lan,.v.v....


 Dì Liên thì tự tay làm món bánh bao. Nghe nói dì ấy tự nhồi bột, làm nhân luôn chứ không mua bánh làm sẵn từ siêu thị về hấp đâu. Món này ngon lắm, nhất là phần nhân, ngon hơn hẳn bánh mua ở chợ. Còn nhà mình thì mẹ hùn món khoai lang nấu. Khoai này được mua "dự trữ" phòng "Tận thế", nay mang ra đãi mọi người. Mẹ nói vui Tận thế mua khoai mà không mua đèn cầy, vì khoai lang thì có gì mình ăn luôn cả vỏ cũng không sao, đâu cần đèn sáng nhìn ngó chi (?!)


 Phần chủ nhà là cậu Tài thì đãi mọi người món "Trà Vương 913 ma dờ in Tai Quan" rất thơm, ngọt hậu. Loại này là trà xịn đó, dân ghiền trà bảo đảm khoái ngay.


Vừa ăn uống, vừa kể nhau nghe chuyện xưa chuyện nay, chuyện Đông Tây Nam Bắc. Người thì nói về đạo Phật, về triết học, người kể chuyện thế gian, rồi lan sang chuyện nhà cửa, chuyện sức khỏe, những kế hoạch sắp tới... Ai nói thì nói, mình ngồi A Quắn. He he... Không khí ấm áp, thanh bình.


Thầy Nguyên Minh, Thầy Bình và Cô Tuyết cùng nhau làm thơ, nhân lấy cảnh đêm tối mọi người quây quần bên nhau đây mà lấy cảm hứng sáng tác.
"Cầu cao như khuôn nhạc
Đèn lung linh bến sông
Trà Vương thơm bàn tiệc
Bằng hữu thắm tình thân."

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

21-12-2012


Sáng ngày 21-12-2012, như thường lệ, tôi dậy sớm. Sau khi đánh răng, rửa mặt và đi tiểu, tôi tự pha cho mình ly cafe nóng và ra ngắm lan trong vườn...
Vừa nhấm nháp cafe, tôi chợt nhớ câu nói của nhân vật chính trong một bộ phim Mỹ: 
"Tôi sẽ chết...
Anh sẽ chết...
Chúng ta đều sẽ chết,...
Nhưng không phải chết vào ngày hôm nay..."

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Đứa trẻ thứ 7

Rồi, thế là lại thêm một đứa trẻ nữa hình thành trong niềm hân hoan, kỳ vọng của người mẹ, người cha và tất nhiên là của mình nữa.
Ngồi đếm từng đứa, nhớ tên từng đứa, xem hình từng đứa, cảm giác chúng nó mạnh khỏe và lớn lên từng ngày làm mình cảm thấy vui vui. 
Dù không phải cha ruột, chẳng phải cha dượng mà cũng không tự nhận là cha nuôi hay cha đỡ đầu, nhưng mình vẫn xem chúng như con của mình.


Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Ngày Nhà giáo

Mới đó mà đã một năm rồi, ngày Nhà giáo lại đến. Thời gian trôi qua nhanh quá. 

Chiều ngày 16, nghe tin Thầy Cô sắp về lại Sài Gòn, cả nhóm họp nhau sang thăm. Hôm nay trời mưa lâm râm, không khí ẩm ướt, nghe đài báo đang có áp thấp nhiệt đới nhưng chẳng ai lạnh bởi lòng hướng về các Thầy Cô, bậc ân sư.

 Trong ngôi nhà nhỏ, Thầy trò tạm lót chiếc chiếu trên nền gạch, bày ra mấy món ăn uống giản đơn. Chai rượu dâu tằm, bình trà nóng, gói thuốc lá bình dân, vài loại bánh trái học trò mang đến. Ấy thế mà Thầy trò quây quần bên nhau, vừa ăn, uống, nói chuyện vui vẻ. Trò nào biết uống rượu thì mời Thầy ly rượu. Người khác thì mời Thầy ly trà, món bánh, trái cây. Không ai nhắc chuyện quá khứ. Mọi người chỉ nói về cuộc sống hiện tại, tương lai và chúc sức khỏe Thầy Cô. Không khí ngôi nhà trở nên ấm cúng đến lạ kỳ. Ai đó đã nói dịp này là ngày nhà giáo..., Thầy mỉm cười: "Ngày nào cũng là Ngày nhà giáo !"
Đúng rồi ! Nào phải đợi đến 20-11 mới là ngày nhà giáo. Ngày nào mà lòng người còn lòng tri ân Thầy Cô thì ngày đó chính là ngày nhà giáo.

Con kính chúc quý Thầy Cô Nguyên Minh, Thầy Cô Phu, Thầy Cô Bình - Tuyết cùng các quý Thầy Cô khác được nhiều sức khỏe. Những kiến thức về Đạo mà các quý Thầy Cô truyền dạy cho con trong thời gian qua là rất lớn. Con xin cám ơn tất cả.

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Ngắm lan

Lan nhà mình tự trồng nè bà con cô bác !
 Người chơi lan có nhiều dạng khác nhau, người thì thích trồng mỗi lan hồ điệp hoặc chuyên về denro, người thì trồng lan lấy hoa là chủ yếu nên cứ ra chợ mua những cây đang có hoa về là xong. Riêng mình lại có thú trồng lan là mua cây con cao chừng vài tấc về rồi chăm sóc cho đến khi lan cao lớn, ra hoa. Nhìn lan mọc từng chiếc lá, cọng rễ, thân cây mỗi ngày mỗi lớn, rồi nhú từng nụ hoa, rồi hoa nở mà lấy làm vui.

 Lan màu xanh ngọc. Mình chăm nó từ hùi cây nó còn nhỏ xíu. Nhìn đẹp chưa nè !

 Còn nàng này cánh ửng hồng tím sen nhìn rất dễ thương.

Nàng này trắng muốt mà môi lại tô son màu tím nè ! Dễ thương lắm, giống như đang cười thật tươi. Vẻ đẹp thu hút lạ kỳ. Càng nhìn càng thích. Hoa như biết nói. Có lẽ đó là cảm ứng đạo giao.

Còn nữa ! Mai mốt khoe tiếp. Heheh...

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Viết blog

Đôi khi viết blog nghĩa là không viết gì cả.
Đôi khi không viết gì cả mà là viết rất nhiều.

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Ờ hờ...

Ờ hờ... Thì ra Tôn Ngộ Không đánh loạn, quậy lên tận trời, ngồi cả vào ghế của Ngọc Hoàng Thượng Đế lại dễ hơn là đập mấy con yêu quái gốc cầy, cáo chốn trần gian.

Hi hi...Con cám ơn Thầy Bình !

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Mùa nấm mối

Ôi thế là mùa nấm mối trong năm chắc là đã hết. Mấy ngày nay trời quang mây tạnh, nắng gay gắt hơn, không còn những hôm chợt mưa rồi nắng kèm những cơn gió lành lạnh nữa. Điều ấy báo hiệu mùa nấm mối miền Tây ta đã qua. Lẽ ra ngay từ đầu mùa mình đã viết bài và đăng hình về chủ đề mùa nấm mối rồi nhưng cứ nấn ná tới nay vì ý đồ là sưu tầm những bức ảnh về nấm mối và những món ăn chế biến cùng loại nấm này. 

 Mấm mối là một loại nấm khá đặc biệt. Tới nay chưa ai trồng được nó.

 Nấm mối thường xuất hiện vào những tháng nửa đầu mùa mưa hằng năm. Và thường xuất hiện theo kiểu từng đợt ngắn. Chừng 2-3 đợt nấm mọc trong khoảng thời gian 2-3 tháng gì đó. Nhiều người cho rằng nhờ cái "nước miếng" của những con mối tiết ra kết hợp với thời tiết đầu mùa mưa mà bào tử nấm nẩy mầm rồi mọc lên. Người ta thu hoạch nấm bán hoặc cất riêng để dành ăn dần. Nếu muốn dự trữ thì gói nấm tươi trong giấy báo, giấy dầu rồi cho vào tủ lạnh hoặc xào muối ớt rồi cho vào keo, hủ cất trong tủ để dành ăn dần trong năm, có người khéo bảo quản ăn tới mùa nấm mối năm sau mà chưa hết.

 Nấm mối thường mọc ở những nơi ẩm, có tổ mối gần đó hoặc ngay bên dưới lớp đất chỗ nó mọc và thường là rất khó phát hiện ra nấm vì màu nấm tiệp với màu đất.

Thường là nhà nông ta có kinh nghiệm "săn" nấm mối lắm. Người thì cho rằng nấm mối mọc ở chỗ nào thì năm sau cũng sẽ mọc tiếp ngay chỗ đó. Bởi thế mà nhiều người chú ý, đánh dấu chỗ đã nhổ nấm năm ngoái và năm nay, canh ngay dịp này mà ra coi nấm có mọc không thì thu hoạch.

Thật là ít có cơ hội chụp được hình nấm mối còn đang mọc như vầy.
Nhiều người còn cẩn thận kiếm cây lá che đậy ngụy trang chỗ nấm mọc để phòng ăn trộm.  Như hôm mình chụp mấy tấm hình này là do thấy có hai thanh niên ngồi canh chừng, chờ nấm mọc. Vì họ sợ đi chỗ khác rồi sẽ bị trộm mất. Nấm mối thời điểm đầu mùa có khi người ta bán với giá 300.000 đồng/kg, tức là cao gấp khoảng 5 lần so với nấm rơm.

Có lần nhóm mình đi từ thiện ở bên Phước Thạnh mà hái được nấm mối nè bà con !

 Tuy mấy cây nấm đã nở cả rồi nhưng cũng là nấm mối. Nghe nói cậu Xum và cậu Tài phát hiện ra bằng cách "ngửi" mùi nấm mối bay trong gió mà lần tìm ra nấm mối mọc dưới đất khuất trong những chỗ kín đáo.

 Nấm mối được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Thường là nấu chung với các loại thực phẩm khác. Nhiều gia đình cất riêng chỉ dùng để đãi khách quý.  Nấm mối ăn rất ngon. Không rõ là bổ cỡ nào nhưng vị thơm thơm, ăn dai dai trong miệng. Nhiều người thích ăn và nhậu nấm mối lắm. Nhiều người nói nấm mối miền Tây ngon hơn nấm mối miền Đông. Nấm mối miền Tây ngọt và thơm hơn.Còn ở các nước khác không biết có hay không chứ người Việt xa xứ sống ở Mỹ hay Âu thì chắc chắn phải thèm món này lắm vì có tiền thì cũng khó mua được nấm mối bên xứ ấy mà ăn.

 Trứng vịt/gà chiên nấm mối.

 Nấm mối kho tiêu. Món này ngon. Rất nhiều người thích.

 Nấm mối chuẩn bị được xào chung với các loại rau cải.

 Bánh xèo nấm mối.

Và thật đơn giản, cơm trắng ăn với nấm mối xào muối ớt.
Ngon cực kỳ.

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Thăm bệnh Thầy

Chiều nay, mình đang đọc kinh nói về bồ tát Duy Ma Cật thị hiện thân bệnh mà hóa độ chúng sanh thì tình cờ biết tin Thầy đang bị đau mắt. Bèn xách xe chạy sang thăm bệnh Thầy.
Vẫn nơi "lớp học miễn phí", hai thầy trò đàm đạo. Chỉ mỗi đề tài "phát Bồ Đề Tâm" thôi mà hai thầy trò nói mãi dường như vô tận.
Trời chạng vạng, mình từ biệt ra về. Lại vẫn như mọi lần, Thầy tiễn mình ra, tự tay mở cổng. Rủi sao bất thình lình cái chỗ bánh xe lăn của cổng bị gãy lìa, nguyên cánh cổng ngã lên người Thầy. Mặc dù gần như ngay lập tức mình chụp lấy cánh cổng kéo ngược lại, thế nhưng Thầy vẫn bị chấn thương và đau ở lưng.
Về nhà, nhớ lại việc Thầy đau ở mắt và tai nạn ở lưng, rồi những thắc mắc của mình đều được Thầy giải đáp, mình nghĩ vậy là chỉ có ứng thân Thầy là có bệnh mà thôi.

Con chúc Thầy sớm khỏi bệnh ở thân.

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Thơ lượm lặt





"Đường đời muôn vạn nẻo
Không Có cũng không Không
Hỏi người làm gì đó ?
Chơi !"





Bài thơ này mình lượm trên Internet cách nay đã lâu, không nhớ nguồn và tác giả nhưng thấy hay quá nên đăng lên đây.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Trích thư Mỹ Hầu Tử gửi Dì Anh

Chào Dì Anh thân yêu của con !
Con lại phải xin lỗi Dì Anh nữa rồi ! Hu hu...Thì ra bấy lâu nay thư Dì Anh đã bị tên Yahoo mắc dịch chuyển tự động vào "Bulk Mail" làm con không thấy nó đâu mà reply Dì. Con tưởng Dì Anh lại bận sang nhà cháu ngoại hay mắt hơi yếu nên không viết email. Dù sao thì hầu như lần nào Dì Anh sắp liên lạc với con là gần như lần đó con có linh cảm Dì sẽ liên lạc.Thôi lần này con viết cho Dì Anh email thật là dài, cho Dì đọc mỏi mắt luôn. Hí hí
Dạo này Dì Anh sức khỏe vẫn cứ vậy ạ ? Con lo cho Dì quá. Còn cậu An thì sao ạ ? Cậu có khỏe không Dì ? Cho con gửi lời hỏi thăm cậu An nhe. Khi có tuổi rồi thì người ta cứ bệnh Dì Anh nhỉ ? Bên này các Cậu các Dì thỉnh thoảng vẫn cứ bệnh này bệnh kia, nhất là cậu Xum lâu lâu lại bị bệnh Gout hành hạ, còn Dì Mai và Dì Liên thì cứ cảm sốt, rêm rêm lẻ tẻ hoài. Mẹ con thì cũng lâu lâu là cảm, ăn uống cũng ít, còn cậu Tài thì hay bị nhức lưng, cô Nết (vợ thầy Ng Minh) thì hễ cứ thời tiết thay đổi là bệnh cảm, riêng con thì hay bị ho vì viêm xoang, còn Thầy Bình, Cô Tuyết, Cậu Diệp, Cậu 4 Sa và Dì Tự thì vẫn khỏe. Dù sao nói chung nhóm NBĐT vẫn được xem là có sức khỏe đó Dì Anh. Con để ý thấy những lần đi từ thiện xa thì các cậu, các dì đều đi nổi, ít ai bỏ cuộc giữa chừng. Chỉ có lần mới đây là hôm 8-7, đi từ thiện ở Phước Thạnh, hôm ấy trời nóng oi bức một cách kỳ cục, mặc dù có mây che nắng nhưng không khí lại rất khó chịu khiến Dì Liên vì đang có bệnh từ mấy hôm trước nên mệt sém xỉu, hành trình dự kiến trao 16 phần quà nhưng rốt cuộc nhóm chỉ phát có 9 phần, còn 7 phần còn lại 2 hôm sau mới phát tiếp. Về tới chỗ nghỉ ai nấy bơ phờ nhưng chỉ 2 hôm sau là lại đủ sức đi từ thiện tiếp. Con thấy cái tâm làm việc thiện của mọi người vẫn nguyên vẹn bất chấp sức khỏe do tuổi tác đó Dì Anh ơi. Nếu để ý trên blog, Dì sẽ thấy mọi người vẫn tươi tắn, đó là vì mọi người đi chung, ăn chung, ngủ chung, làm từ thiện chung, tình nghĩa ngày càng thắt chặt và vì thế mà vui vẻ hòa đồng, tâm trí tốt nên thân thể cũng mạnh khỏe, đỡ đau bệnh. Gần đây thì nhóm cũng có sự tham gia của một số thành viên mới, trẻ nên không khí cũng thêm phần vui nhộn.
Dì Anh ơi ! Ngay lúc con đang viết email này thì cũng là lúc nhân viên giao tiền vừa tới. Con đã nhận được tiền Dì Anh gửi về làm từ thiện rồi. Con cảm ơn Dì nhe. Con sẽ sớm mang tiền qua cho nhóm. Chuyện tiền bạc của nhóm từ dạo ấy đến nay tuy ngân quỹ không nhiều nhưng mọi người vẫn vui, cứ như những đạo nhân sống thanh bạch, tâm hồn thanh thản. Thỉnh thoảng khi tiền quỹ hơi cạn là bỗng dưng như có phép lạ, gần như ngay sau đó có nhà hảo tâm gửi tiền nhờ nhóm làm "cánh tay nối dài" góp phần san sẻ tình thương đến những người bất hạnh. Tuy số tiền không nhiều nhưng lại đủ làm một chuyến từ thiện mới và lại sau khi xong chuyến từ thiện ấy lại có nhà tài trợ khác gửi tiền cho chuyến từ thiện kế tiếp. Đúng là có Hộ pháp phù hộ, Dì Anh nhỉ ! Như hôm qua con và dì Liên ngồi chơi bàn quỹ nhóm còn 900 ngàn thì sẽ tổ chức nấu cơm từ thiện, rồi nói đùa với nhau là sau khi hết tiền quỹ sẽ tuyên bố phá sản, ai ngờ nay Dì Anh lại gửi tiền về, thật là Trời Phật không phụ lòng người, con nghĩ gửi sớm chẳng bằng gửi đúng lúc đó Dì Anh. 
17/7/2012
Dì Anh ơi ! Nói lại chuyện nhóm mình, kể từ ngày ấy, "Những Bồ Đề Tâm" tuy ít người nhưng sống gắn bó lắm. Nếu Dì Anh lên blog, thấy trong hình mọi người cười vui thì đó là những nụ cười an lạc thực sự đấy. Trong nhóm rất thanh tịnh, không ai nói xấu ai, không ai xì xầm xỉa xói gì ai, mỗi khi gặp nhau là chỉ có tiếng cười và sự tự giác, tự ý thức trong sinh hoạt tập thể, mọi người gần như đã trở thành người cùng một nhà rồi. Ai đi xa thì điện thăm hỏi, chúc bình an, người sắp đi xa thì nhóm gặp gỡ tiễn biệt. Như mới hôm qua, mọi người lại tụ tập ở nhà Thầy Bình, Cô Tuyết để nói lời tạm biệt vì thầy cô sắp ra nước ngoài. Tuy thời gian thầy cô ấy lưu trú ở nước ngoài không dài nhưng đủ để các thành viên trong nhóm cảm thấy rằng sự vắng mặt ấy sẽ là lâu. Còn để có một chuyến từ thiện thành công thì mỗi thành viên đều có đóng góp ít nhiều, không tiền bạc thì cũng góp công sức, từ khâu xuất quỹ đi chợ mua đồ, sắp xếp phân chia các loại đồ tặng cho người nghèo, cho tới khâu cơm ăn, nước uống mang theo cho nhóm đều đươc chuẩn bị cẩn thận, nhất là Cậu Diệp, Dì Liên. Nếu đọc blog Dì sẽ thấy ít nhắc đến tên hai vợ chồng ấy nhưng thực ra họ đảm trách phần lớn công tác hậu cần, chuẩn bị tươm tất cho những chuyến đi. Có những thứ lặt vặt như : gói nguyên liệu nấu nước sâm, rồi tiêu, đường, tỏi, muối, củi lửa để kho từng miếng thịt, cái trứng cho bệnh nhân tâm thần hay bao đựng gạo cho những chuyến đi trao quà xa .v.v...con không kể ra - vì họ không đồng ý bởi họ quan niệm làm việc thiện nào cầu chi được ghi danh, ghi tuổi - trên blog nhưng hầu hết đều là từ nhà bếp của họ. Còn con thì bây giờ lại không ghét cụm từ "thằng nhóc" mà người ta dành cho con nữa. Tất nhiên là ai đó gọi con là "thằng nhóc" chứ các cậu, các dì trong nhóm "Những Bồ Đề Tâm" không bao giờ gọi con như vậy. Như Thầy Bình, Cô Tuyết hay Cậu Diệp, Dì Liên luôn rất thương con, mỗi lần con tới chơi đều gọi lại ngồi chung bàn, ăn cơm cũng gọi lại ăn chung mâm khiến con không cảm thấy bị đối xử như một "thằng nhóc" nữa. Còn Thầy Cô Nguyên Minh lại càng làm con quý mến hơn, mỗi lần con cần hỏi về kiến thức gì đó mà đến tìm Thầy Cô thì Thầy Cô lại pha cafe, mang bánh trái ra cho con ăn rồi giảng giải nghĩa lý những điều con thắc mắc. Chắc chẳng có lớp học nào mà vừa miễn học phí lại còn có "học bổng" như vậy. Hi hi...Con nghĩ rằng, kể từ ngày ấy, dường như mỗi thành viên trong nhóm đều đã gắn kết hơn. Thỉnh thoảng, những sự kiện "lịch sử" vẫn được mọi người kể ra nhưng không phải để chỉ trích hay phán xét mà đơn giản là để cùng rút ra những bài học cho cuộc sống để nhóm ngày càng tốt hơn. Bởi thế càng ngày con càng thân thiết và gần gũi các Cậu, các Dì hơn nhưng đồng thời cũng ít gặp những gương mặt cũ. ........ Nhưng thôi, việc mình mình làm, trước mắt con còn nhiều việc phải làm để góp phần xây dựng NBĐT phát triển.

Thôi con xin nói vài lời như vậy. Hẹn gặp lại Dì ở thư sau nhe. Có gì Dì Anh cứ gửi mail hoặc chat với con nhe. Con chúc Dì Anh, Cậu An và gia đình luôn được thân tâm an lạc.


Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Du lịch Châu Đốc - Hà Tiên

Hi hi...Du lịch...Du lịch...Thế là sau cùng mình cũng đã đặt chân đến vùng đất Hà Tiên rồi nè ! Chuyến này mình được Dì Tự tặng suất vé đi chơi cùng các Cậu, các Dì. Coi như là thư giãn, giải khuây vậy. 
Nhân dịp thiên hạ đồn đại nhóm "Những Bồ Đề Tâm" du lịch Hà Tiên, mình đăng vài tấm cho bà con coi chơi. ^.^

 Đến Miễu bà chúa xứ núi Sam ở Châu Đốc, tỉnh An Giang.

 Miễu bà hầu như quanh năm đông khách thập phương đến lễ viếng. Dân gian vẫn truyền nhau rằng miễu này là chỗ linh thiêng, có thể cầu được may mắn gì đó trong cuộc sống. Mỹ Hầu Tử đi theo đoàn nên cũng vào thăm cho biết. Nghe nói miễu Bà được lập ra cách nay khoảng 200 năm. Trải qua nhiều truyền thuyết, giờ cũng không biết thực sự "Bà"- tức là vị thánh ở miễu này- là ai ? Thân thế "Bà" ra sao ? Tài liệu thì bảo đó là một vị nam thần (Visnu), lại có tài liệu nói rằng đó là một vị Phật của người Khmer. Chỉ biết là nhiều người đồn rằng đến đây cúng kiến cầu xin này nọ đều được ...đáp ứng (?)

 Bên trong, chỗ thờ "Bà" người ta không cho chụp ảnh, nên mình đứng ngoài chụp vào vậy. Các Cậu, các Dì tuy cũng đến, rồi cũng thắp hương, lễ bái nhưng chẳng ai cầu xin gì. Trong khí đó khách thập phương vào thì lại cầu đủ thứ, người thì cầu xin sức khỏe, người thì cầu buôn may bán đắt, người thì "ra mắt" hoặc tạ ơn "Bà" bằng con heo quay, mâm ngũ quả .v.v... Không khí nhộn nhịp. Nhang đốt từng bó, từng bó, không khí tưởng như ngộp khói nhang đến nơi thì liền có nhân viên làm việc tại miễu bước ra nhổ hết những cây nhang nhỏ đang cháy và mang đi dập tắt, chỉ chừa lại những cây nhang to. Điều này là một sự tiến bộ vì sẽ đỡ gây hại cho sức khỏe khách tham quan cũng như cho người sống và làm việc tại miễu.

 Còn bên ngoài, các nhân viên bảo vệ mặc đồng phục thường xuyên đi qua đi lại để đảm bảo an ninh trật tự cho miễu. Tình trạng bán dạo, chèo kéo khách hàng hay ăn xin, bói toán .v.v...nói chung không nằm trong khuôn viên của miễu nữa. Đây cũng là điều mừng vì nghe các Dì nói mấy năm trước đến đây lễ bái luôn phải cảnh giác vì dễ bị kẻ gian lợi dụng lúc đông người mà móc túi, giựt dọc...

 Đối diện miếu Bà là đền thờ tướng Thoại Ngọc Hầu. Sau đền thờ là núi Cấm.

"Tuy vui chơi nhưng vẫn không quên nhiệm vụ", Dì Liên- Cậu Diệp thấy người ta bán quần áo có giá khá rẻ nên đã mua về để dành làm từ thiện, tặng cho người nghèo. Nhờ "tài năng" trả giá "vô địch", sau một hồi nói chuyện qua lại, Dì Liên đã "đàm phán" thành công với giá cực rẻ, khoảng 3000-4000 đồng cho một cái quần kaki lửng hoặc áo thun thời trang, áo sơ mi dành cho thanh niên và người lớn với nhiều kích cỡ khác nhau. Tất cả đều còn mới, sạch sẽ, tinh tươm. Với số lượng quần áo lên tới hàng trăm cái như thế này, mai mốt tha hồ mà mang đi làm từ thiện.

Cảnh biển Hòn Chông.

Ở đây bán nhiều hải sản lắm. Đây là tôm tích. Mùa này tôm tích khá nhiều nên người ta bán dạo khắp bãi biển. Tôm tích là loại thực phẩm ngon, nếu con lớn cỡ 300 gr trở lên thì giá tương đương tôm hùm nhưng những con nhỏ thì giá rẻ hơn.

Ốc gì không rõ.

Cua đá.

Ốc gì cũng không rõ tên.

Ăn tàu hủ.

Mình thấy ở các khu du lịch, món tàu hủ là dễ ăn nhất, một là ngon, dễ ăn, hai là giá cả không mắc nên khỏi sợ bị lừa giá.

Biển Hòn Chông, nhìn về hướng Nam. Hôm khởi hành tuy trời mưa gió nhưng hầu như suốt hành trình đến Hà Tiên mình không gặp mưa gió cản trở.

Sau một ngày vui chơi, tối đến mọi người về khách sạn nghỉ ngơi. Các Cậu, các Dì vẫn như nào giờ, trong những lần du lịch cũng như làm từ thiện đều quây quần bên nhau, cùng bày cơm canh mang theo ra ăn chung mâm, pha trà nóng cùng ngồi uống tán gẫu chuyện ta bà thế giới.

Hôm sau đoàn tới thăm khu mộ của Mạc Cửu. Khu mộ nằm trên một ngọn đồi nhỏ. Mạc Cửu là nhân vật rất nổi tiếng, là người có công khai phá vùng đất này. Mạc Cửu và Thoại Ngọc Hầu là hai cái tên gắn liền với lịch sử đất Hà Tiên.

Khu mộ này cảnh sắc hữu tình, cây cối xanh tươi, đồi cao mà không dốc, có đá nhưng tư thế không hiểm trở, đất vốc lên thấy tươi xốp, sau lưng mộ Mạc Cửu là cánh đồng lúa mênh mông, trước mặt mộ nhìn ra hướng biển. Thật là chỗ mà những người trọng phong thủy ưa thích.

Xung quanh các ngôi mộ trên đồi này, nhất là chỗ gần mộ Mạc Cửu, mình thấy có nhiều sợi dây cột trên nhành cây hoặc những chiếc lá bị ai đó cuộn thắt lại như trong hình. Dì Liên nói người ta hay đến đây, mang theo những ưu tư, khúc mắc, rối rắm của đời mình rồi "cột" chúng vào những khúc mắc lá cây, dây cột này (!)

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Gặp lại (2)

... Có những câu, chữ nó trông thấy thì biết đây là lần đầu tiên trong đời này nó đọc nhưng đồng thời lại cảm thấy thân quen. Dường như có gì đó giống như một sự "trở về" trong tiềm thức của Mỹ Hầu Tử, một sự "gặp lại" mà vì lý do nào đó trong thời gian trước nó đã lãng quên ít nhiều. Bởi thế có nhiều câu, chữ nó cảm thấy không cần học từ đầu mà chỉ việc "nhớ lại" để suy ngẫm thêm nghĩa lý thôi. Phải chăng Mỹ Hầu Tử đang trên hành trình "gợi nhớ", "ôn tập" để chuẩn bị cho một hành trình mới và cao hơn ?...

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Gặp lại

Kể từ dạo ấy, Mỹ Hầu Tử ít đi chùa hơn nhưng không ngày nào nó ngừng học.
Càng học, nó càng cảm thấy như được gặp lại gì đó rất quen thuộc. Gần như không chút lạ lẫm. Đôi lúc Mỹ Hầu Tử thử "từ chối" suy nghĩ về sự quen thuộc ấy nhưng lại càng thấy quen hơn. Cứ đọc đến mỗi trang, mỗi chữ, nó đều thấy như đã đọc qua từ lâu, từ lâu lắm rồi vậy.

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Thịt kho trứng cút

Thịt kho trứng cút là một món ăn bổ dưỡng. Vì thế mà các Cậu các Dì thường hay nấu món này đãi các bệnh nhân tâm thần. Mà...các bệnh nhân thì cũng thích lắm, đối với họ, được ăn cơm thịt thà vậy là ngon rồi.
Thịt heo được đích thân các dì trong nhóm ra chợ lựa mua. Vì biết các bệnh nhân có người tuổi già, răng yếu nên không mua thịt đùi nguyên mà mua lẫn thịt nạc dăm, nách, ba rọi...vốn mềm hơn, dễ ăn hơn.

Thịt được chọn mua ở nơi uy tín đàng hoàng, đảm bảo tươi ngon chứ không phải thịt cũ hay thịt đông lạnh.

Còn trứng cút thì đặt mua ngay tại đại lý trứng, cũng chỗ tin cậy.

Với tinh thần lấy công để làm từ thiện, mình cũng xông vô phụ lột trứng cút.

Có một trứng gặp sự cố vỡ làm đôi và mình được ưu tiên...bốc lủm !  Tính chung cuộc mình chén được cỡ chục trứng. He he !

Những quả trứng cút nhìn trắng nõn nà sau khi lột vỏ.

Việc lột cả mấy trăm trứng cút không phải là chuyện nhỏ, cả đám 5 người mà lột cả tiếng đồng hồ. Mình lột xong cũng mướp tay luôn. Hic !

Lúc bấy giờ, thịt heo cũng đã được kho chín xong xuôi. Vì có nước dừa tươi, nấu kỹ nên thịt mềm lắm. Nhìn mà thèm. Mình cũng được vinh dự là người đâu tiên nếm thử...để xem mình có bề gì thì vẫn còn kịp chưa cho bệnh nhân. He he...

Sau đó một phần nước thịt kho sẽ được lấy ra để kho trứng cút.
Ôi,...ngon quá là ngon ! Chắc chắn các bệnh nhân tâm thần sẽ thích lắm.
Trông ngon thế nhưng giá lại rẻ, tính ra tổng chi phí cho nồi thịt này bao gồm cả trái cây và nước giải khát chỉ 900 ngàn đồng. Làm từ thiện mà dùng tiền đúng mục đích, chi phí hợp lý như thế thì hay còn gì bằng.