Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Thơ lượm lặt





"Đường đời muôn vạn nẻo
Không Có cũng không Không
Hỏi người làm gì đó ?
Chơi !"





Bài thơ này mình lượm trên Internet cách nay đã lâu, không nhớ nguồn và tác giả nhưng thấy hay quá nên đăng lên đây.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Trích thư Mỹ Hầu Tử gửi Dì Anh

Chào Dì Anh thân yêu của con !
Con lại phải xin lỗi Dì Anh nữa rồi ! Hu hu...Thì ra bấy lâu nay thư Dì Anh đã bị tên Yahoo mắc dịch chuyển tự động vào "Bulk Mail" làm con không thấy nó đâu mà reply Dì. Con tưởng Dì Anh lại bận sang nhà cháu ngoại hay mắt hơi yếu nên không viết email. Dù sao thì hầu như lần nào Dì Anh sắp liên lạc với con là gần như lần đó con có linh cảm Dì sẽ liên lạc.Thôi lần này con viết cho Dì Anh email thật là dài, cho Dì đọc mỏi mắt luôn. Hí hí
Dạo này Dì Anh sức khỏe vẫn cứ vậy ạ ? Con lo cho Dì quá. Còn cậu An thì sao ạ ? Cậu có khỏe không Dì ? Cho con gửi lời hỏi thăm cậu An nhe. Khi có tuổi rồi thì người ta cứ bệnh Dì Anh nhỉ ? Bên này các Cậu các Dì thỉnh thoảng vẫn cứ bệnh này bệnh kia, nhất là cậu Xum lâu lâu lại bị bệnh Gout hành hạ, còn Dì Mai và Dì Liên thì cứ cảm sốt, rêm rêm lẻ tẻ hoài. Mẹ con thì cũng lâu lâu là cảm, ăn uống cũng ít, còn cậu Tài thì hay bị nhức lưng, cô Nết (vợ thầy Ng Minh) thì hễ cứ thời tiết thay đổi là bệnh cảm, riêng con thì hay bị ho vì viêm xoang, còn Thầy Bình, Cô Tuyết, Cậu Diệp, Cậu 4 Sa và Dì Tự thì vẫn khỏe. Dù sao nói chung nhóm NBĐT vẫn được xem là có sức khỏe đó Dì Anh. Con để ý thấy những lần đi từ thiện xa thì các cậu, các dì đều đi nổi, ít ai bỏ cuộc giữa chừng. Chỉ có lần mới đây là hôm 8-7, đi từ thiện ở Phước Thạnh, hôm ấy trời nóng oi bức một cách kỳ cục, mặc dù có mây che nắng nhưng không khí lại rất khó chịu khiến Dì Liên vì đang có bệnh từ mấy hôm trước nên mệt sém xỉu, hành trình dự kiến trao 16 phần quà nhưng rốt cuộc nhóm chỉ phát có 9 phần, còn 7 phần còn lại 2 hôm sau mới phát tiếp. Về tới chỗ nghỉ ai nấy bơ phờ nhưng chỉ 2 hôm sau là lại đủ sức đi từ thiện tiếp. Con thấy cái tâm làm việc thiện của mọi người vẫn nguyên vẹn bất chấp sức khỏe do tuổi tác đó Dì Anh ơi. Nếu để ý trên blog, Dì sẽ thấy mọi người vẫn tươi tắn, đó là vì mọi người đi chung, ăn chung, ngủ chung, làm từ thiện chung, tình nghĩa ngày càng thắt chặt và vì thế mà vui vẻ hòa đồng, tâm trí tốt nên thân thể cũng mạnh khỏe, đỡ đau bệnh. Gần đây thì nhóm cũng có sự tham gia của một số thành viên mới, trẻ nên không khí cũng thêm phần vui nhộn.
Dì Anh ơi ! Ngay lúc con đang viết email này thì cũng là lúc nhân viên giao tiền vừa tới. Con đã nhận được tiền Dì Anh gửi về làm từ thiện rồi. Con cảm ơn Dì nhe. Con sẽ sớm mang tiền qua cho nhóm. Chuyện tiền bạc của nhóm từ dạo ấy đến nay tuy ngân quỹ không nhiều nhưng mọi người vẫn vui, cứ như những đạo nhân sống thanh bạch, tâm hồn thanh thản. Thỉnh thoảng khi tiền quỹ hơi cạn là bỗng dưng như có phép lạ, gần như ngay sau đó có nhà hảo tâm gửi tiền nhờ nhóm làm "cánh tay nối dài" góp phần san sẻ tình thương đến những người bất hạnh. Tuy số tiền không nhiều nhưng lại đủ làm một chuyến từ thiện mới và lại sau khi xong chuyến từ thiện ấy lại có nhà tài trợ khác gửi tiền cho chuyến từ thiện kế tiếp. Đúng là có Hộ pháp phù hộ, Dì Anh nhỉ ! Như hôm qua con và dì Liên ngồi chơi bàn quỹ nhóm còn 900 ngàn thì sẽ tổ chức nấu cơm từ thiện, rồi nói đùa với nhau là sau khi hết tiền quỹ sẽ tuyên bố phá sản, ai ngờ nay Dì Anh lại gửi tiền về, thật là Trời Phật không phụ lòng người, con nghĩ gửi sớm chẳng bằng gửi đúng lúc đó Dì Anh. 
17/7/2012
Dì Anh ơi ! Nói lại chuyện nhóm mình, kể từ ngày ấy, "Những Bồ Đề Tâm" tuy ít người nhưng sống gắn bó lắm. Nếu Dì Anh lên blog, thấy trong hình mọi người cười vui thì đó là những nụ cười an lạc thực sự đấy. Trong nhóm rất thanh tịnh, không ai nói xấu ai, không ai xì xầm xỉa xói gì ai, mỗi khi gặp nhau là chỉ có tiếng cười và sự tự giác, tự ý thức trong sinh hoạt tập thể, mọi người gần như đã trở thành người cùng một nhà rồi. Ai đi xa thì điện thăm hỏi, chúc bình an, người sắp đi xa thì nhóm gặp gỡ tiễn biệt. Như mới hôm qua, mọi người lại tụ tập ở nhà Thầy Bình, Cô Tuyết để nói lời tạm biệt vì thầy cô sắp ra nước ngoài. Tuy thời gian thầy cô ấy lưu trú ở nước ngoài không dài nhưng đủ để các thành viên trong nhóm cảm thấy rằng sự vắng mặt ấy sẽ là lâu. Còn để có một chuyến từ thiện thành công thì mỗi thành viên đều có đóng góp ít nhiều, không tiền bạc thì cũng góp công sức, từ khâu xuất quỹ đi chợ mua đồ, sắp xếp phân chia các loại đồ tặng cho người nghèo, cho tới khâu cơm ăn, nước uống mang theo cho nhóm đều đươc chuẩn bị cẩn thận, nhất là Cậu Diệp, Dì Liên. Nếu đọc blog Dì sẽ thấy ít nhắc đến tên hai vợ chồng ấy nhưng thực ra họ đảm trách phần lớn công tác hậu cần, chuẩn bị tươm tất cho những chuyến đi. Có những thứ lặt vặt như : gói nguyên liệu nấu nước sâm, rồi tiêu, đường, tỏi, muối, củi lửa để kho từng miếng thịt, cái trứng cho bệnh nhân tâm thần hay bao đựng gạo cho những chuyến đi trao quà xa .v.v...con không kể ra - vì họ không đồng ý bởi họ quan niệm làm việc thiện nào cầu chi được ghi danh, ghi tuổi - trên blog nhưng hầu hết đều là từ nhà bếp của họ. Còn con thì bây giờ lại không ghét cụm từ "thằng nhóc" mà người ta dành cho con nữa. Tất nhiên là ai đó gọi con là "thằng nhóc" chứ các cậu, các dì trong nhóm "Những Bồ Đề Tâm" không bao giờ gọi con như vậy. Như Thầy Bình, Cô Tuyết hay Cậu Diệp, Dì Liên luôn rất thương con, mỗi lần con tới chơi đều gọi lại ngồi chung bàn, ăn cơm cũng gọi lại ăn chung mâm khiến con không cảm thấy bị đối xử như một "thằng nhóc" nữa. Còn Thầy Cô Nguyên Minh lại càng làm con quý mến hơn, mỗi lần con cần hỏi về kiến thức gì đó mà đến tìm Thầy Cô thì Thầy Cô lại pha cafe, mang bánh trái ra cho con ăn rồi giảng giải nghĩa lý những điều con thắc mắc. Chắc chẳng có lớp học nào mà vừa miễn học phí lại còn có "học bổng" như vậy. Hi hi...Con nghĩ rằng, kể từ ngày ấy, dường như mỗi thành viên trong nhóm đều đã gắn kết hơn. Thỉnh thoảng, những sự kiện "lịch sử" vẫn được mọi người kể ra nhưng không phải để chỉ trích hay phán xét mà đơn giản là để cùng rút ra những bài học cho cuộc sống để nhóm ngày càng tốt hơn. Bởi thế càng ngày con càng thân thiết và gần gũi các Cậu, các Dì hơn nhưng đồng thời cũng ít gặp những gương mặt cũ. ........ Nhưng thôi, việc mình mình làm, trước mắt con còn nhiều việc phải làm để góp phần xây dựng NBĐT phát triển.

Thôi con xin nói vài lời như vậy. Hẹn gặp lại Dì ở thư sau nhe. Có gì Dì Anh cứ gửi mail hoặc chat với con nhe. Con chúc Dì Anh, Cậu An và gia đình luôn được thân tâm an lạc.


Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Du lịch Châu Đốc - Hà Tiên

Hi hi...Du lịch...Du lịch...Thế là sau cùng mình cũng đã đặt chân đến vùng đất Hà Tiên rồi nè ! Chuyến này mình được Dì Tự tặng suất vé đi chơi cùng các Cậu, các Dì. Coi như là thư giãn, giải khuây vậy. 
Nhân dịp thiên hạ đồn đại nhóm "Những Bồ Đề Tâm" du lịch Hà Tiên, mình đăng vài tấm cho bà con coi chơi. ^.^

 Đến Miễu bà chúa xứ núi Sam ở Châu Đốc, tỉnh An Giang.

 Miễu bà hầu như quanh năm đông khách thập phương đến lễ viếng. Dân gian vẫn truyền nhau rằng miễu này là chỗ linh thiêng, có thể cầu được may mắn gì đó trong cuộc sống. Mỹ Hầu Tử đi theo đoàn nên cũng vào thăm cho biết. Nghe nói miễu Bà được lập ra cách nay khoảng 200 năm. Trải qua nhiều truyền thuyết, giờ cũng không biết thực sự "Bà"- tức là vị thánh ở miễu này- là ai ? Thân thế "Bà" ra sao ? Tài liệu thì bảo đó là một vị nam thần (Visnu), lại có tài liệu nói rằng đó là một vị Phật của người Khmer. Chỉ biết là nhiều người đồn rằng đến đây cúng kiến cầu xin này nọ đều được ...đáp ứng (?)

 Bên trong, chỗ thờ "Bà" người ta không cho chụp ảnh, nên mình đứng ngoài chụp vào vậy. Các Cậu, các Dì tuy cũng đến, rồi cũng thắp hương, lễ bái nhưng chẳng ai cầu xin gì. Trong khí đó khách thập phương vào thì lại cầu đủ thứ, người thì cầu xin sức khỏe, người thì cầu buôn may bán đắt, người thì "ra mắt" hoặc tạ ơn "Bà" bằng con heo quay, mâm ngũ quả .v.v... Không khí nhộn nhịp. Nhang đốt từng bó, từng bó, không khí tưởng như ngộp khói nhang đến nơi thì liền có nhân viên làm việc tại miễu bước ra nhổ hết những cây nhang nhỏ đang cháy và mang đi dập tắt, chỉ chừa lại những cây nhang to. Điều này là một sự tiến bộ vì sẽ đỡ gây hại cho sức khỏe khách tham quan cũng như cho người sống và làm việc tại miễu.

 Còn bên ngoài, các nhân viên bảo vệ mặc đồng phục thường xuyên đi qua đi lại để đảm bảo an ninh trật tự cho miễu. Tình trạng bán dạo, chèo kéo khách hàng hay ăn xin, bói toán .v.v...nói chung không nằm trong khuôn viên của miễu nữa. Đây cũng là điều mừng vì nghe các Dì nói mấy năm trước đến đây lễ bái luôn phải cảnh giác vì dễ bị kẻ gian lợi dụng lúc đông người mà móc túi, giựt dọc...

 Đối diện miếu Bà là đền thờ tướng Thoại Ngọc Hầu. Sau đền thờ là núi Cấm.

"Tuy vui chơi nhưng vẫn không quên nhiệm vụ", Dì Liên- Cậu Diệp thấy người ta bán quần áo có giá khá rẻ nên đã mua về để dành làm từ thiện, tặng cho người nghèo. Nhờ "tài năng" trả giá "vô địch", sau một hồi nói chuyện qua lại, Dì Liên đã "đàm phán" thành công với giá cực rẻ, khoảng 3000-4000 đồng cho một cái quần kaki lửng hoặc áo thun thời trang, áo sơ mi dành cho thanh niên và người lớn với nhiều kích cỡ khác nhau. Tất cả đều còn mới, sạch sẽ, tinh tươm. Với số lượng quần áo lên tới hàng trăm cái như thế này, mai mốt tha hồ mà mang đi làm từ thiện.

Cảnh biển Hòn Chông.

Ở đây bán nhiều hải sản lắm. Đây là tôm tích. Mùa này tôm tích khá nhiều nên người ta bán dạo khắp bãi biển. Tôm tích là loại thực phẩm ngon, nếu con lớn cỡ 300 gr trở lên thì giá tương đương tôm hùm nhưng những con nhỏ thì giá rẻ hơn.

Ốc gì không rõ.

Cua đá.

Ốc gì cũng không rõ tên.

Ăn tàu hủ.

Mình thấy ở các khu du lịch, món tàu hủ là dễ ăn nhất, một là ngon, dễ ăn, hai là giá cả không mắc nên khỏi sợ bị lừa giá.

Biển Hòn Chông, nhìn về hướng Nam. Hôm khởi hành tuy trời mưa gió nhưng hầu như suốt hành trình đến Hà Tiên mình không gặp mưa gió cản trở.

Sau một ngày vui chơi, tối đến mọi người về khách sạn nghỉ ngơi. Các Cậu, các Dì vẫn như nào giờ, trong những lần du lịch cũng như làm từ thiện đều quây quần bên nhau, cùng bày cơm canh mang theo ra ăn chung mâm, pha trà nóng cùng ngồi uống tán gẫu chuyện ta bà thế giới.

Hôm sau đoàn tới thăm khu mộ của Mạc Cửu. Khu mộ nằm trên một ngọn đồi nhỏ. Mạc Cửu là nhân vật rất nổi tiếng, là người có công khai phá vùng đất này. Mạc Cửu và Thoại Ngọc Hầu là hai cái tên gắn liền với lịch sử đất Hà Tiên.

Khu mộ này cảnh sắc hữu tình, cây cối xanh tươi, đồi cao mà không dốc, có đá nhưng tư thế không hiểm trở, đất vốc lên thấy tươi xốp, sau lưng mộ Mạc Cửu là cánh đồng lúa mênh mông, trước mặt mộ nhìn ra hướng biển. Thật là chỗ mà những người trọng phong thủy ưa thích.

Xung quanh các ngôi mộ trên đồi này, nhất là chỗ gần mộ Mạc Cửu, mình thấy có nhiều sợi dây cột trên nhành cây hoặc những chiếc lá bị ai đó cuộn thắt lại như trong hình. Dì Liên nói người ta hay đến đây, mang theo những ưu tư, khúc mắc, rối rắm của đời mình rồi "cột" chúng vào những khúc mắc lá cây, dây cột này (!)

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Gặp lại (2)

... Có những câu, chữ nó trông thấy thì biết đây là lần đầu tiên trong đời này nó đọc nhưng đồng thời lại cảm thấy thân quen. Dường như có gì đó giống như một sự "trở về" trong tiềm thức của Mỹ Hầu Tử, một sự "gặp lại" mà vì lý do nào đó trong thời gian trước nó đã lãng quên ít nhiều. Bởi thế có nhiều câu, chữ nó cảm thấy không cần học từ đầu mà chỉ việc "nhớ lại" để suy ngẫm thêm nghĩa lý thôi. Phải chăng Mỹ Hầu Tử đang trên hành trình "gợi nhớ", "ôn tập" để chuẩn bị cho một hành trình mới và cao hơn ?...

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Gặp lại

Kể từ dạo ấy, Mỹ Hầu Tử ít đi chùa hơn nhưng không ngày nào nó ngừng học.
Càng học, nó càng cảm thấy như được gặp lại gì đó rất quen thuộc. Gần như không chút lạ lẫm. Đôi lúc Mỹ Hầu Tử thử "từ chối" suy nghĩ về sự quen thuộc ấy nhưng lại càng thấy quen hơn. Cứ đọc đến mỗi trang, mỗi chữ, nó đều thấy như đã đọc qua từ lâu, từ lâu lắm rồi vậy.

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Thịt kho trứng cút

Thịt kho trứng cút là một món ăn bổ dưỡng. Vì thế mà các Cậu các Dì thường hay nấu món này đãi các bệnh nhân tâm thần. Mà...các bệnh nhân thì cũng thích lắm, đối với họ, được ăn cơm thịt thà vậy là ngon rồi.
Thịt heo được đích thân các dì trong nhóm ra chợ lựa mua. Vì biết các bệnh nhân có người tuổi già, răng yếu nên không mua thịt đùi nguyên mà mua lẫn thịt nạc dăm, nách, ba rọi...vốn mềm hơn, dễ ăn hơn.

Thịt được chọn mua ở nơi uy tín đàng hoàng, đảm bảo tươi ngon chứ không phải thịt cũ hay thịt đông lạnh.

Còn trứng cút thì đặt mua ngay tại đại lý trứng, cũng chỗ tin cậy.

Với tinh thần lấy công để làm từ thiện, mình cũng xông vô phụ lột trứng cút.

Có một trứng gặp sự cố vỡ làm đôi và mình được ưu tiên...bốc lủm !  Tính chung cuộc mình chén được cỡ chục trứng. He he !

Những quả trứng cút nhìn trắng nõn nà sau khi lột vỏ.

Việc lột cả mấy trăm trứng cút không phải là chuyện nhỏ, cả đám 5 người mà lột cả tiếng đồng hồ. Mình lột xong cũng mướp tay luôn. Hic !

Lúc bấy giờ, thịt heo cũng đã được kho chín xong xuôi. Vì có nước dừa tươi, nấu kỹ nên thịt mềm lắm. Nhìn mà thèm. Mình cũng được vinh dự là người đâu tiên nếm thử...để xem mình có bề gì thì vẫn còn kịp chưa cho bệnh nhân. He he...

Sau đó một phần nước thịt kho sẽ được lấy ra để kho trứng cút.
Ôi,...ngon quá là ngon ! Chắc chắn các bệnh nhân tâm thần sẽ thích lắm.
Trông ngon thế nhưng giá lại rẻ, tính ra tổng chi phí cho nồi thịt này bao gồm cả trái cây và nước giải khát chỉ 900 ngàn đồng. Làm từ thiện mà dùng tiền đúng mục đích, chi phí hợp lý như thế thì hay còn gì bằng.