Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Khám phá bếp ăn người nghèo

Trong những lần đi từ thiện, mình thường "đột nhập" chụp hình nồi xoong trong bếp của người nghèo. Không phải mình ham ăn mà rình đâu nhe, nhưng một sự bất ngờ khám phá sẽ biết được thường ngày tiêu chuẩn ăn của họ ra sao. Dưới đây là vài trường hợp điển hình.
 Đây là đồ ăn của một bà cụ nghèo. Nồi cá kho có một khúc đầu này bà đã ăn 2 ngày nay rồi. Phần cơm kia bà nấu ăn tới ngày mai.

 Còn đây là phần cơm trưa của một người tâm thần nghèo tên là Hạnh. Hôm mình tới đúng lúc chú Hạnh đang ăn cơm. Bữa trưa chỉ vỏn vẹn cơm trắng, vài con tép và mắm cá chốt (mắm sống). Chú Hạnh ở chung với người em tên là Rết cũng bị tâm thần. Hằng ngày họ sống bằng cơm gạo những người hảo tâm cho hoặc của người em gái (ở xa). Mới đây chú Rết vì bạo bệnh mà đã qua đời rồi.

 Nồi thịt heo kho chỉ có mấy miếng xắt mỏng lét. Một cây nấm mới hái ngoài vườn để sẵn trên dĩa chờ trưa kho chung với thịt. Đây là phần ăn của hai chị em nhà nghèo ở một vùng ngoại thành.

 Còn cái nồi tép này là của vợ chồng cụ ông N.V.Thăng ở Phước Thạnh. Họ dự định ăn nhiêu đây trong ngày.
Ông Thăng nay đã 80 tuổi rồi, cách đây mấy năm ông đi bán bánh mì dạo, rồi vì cảm thương cụ bà tên là Hương, tuổi cũng đã 74 tuổi sống neo đơn mà lại bị bệnh viêm khớp không làm gì nổi trừ việc đứng lên ngồi xuống mà ông đến ở chung bầu bạn. Nay không biết ông bà ra sao rồi, chứ hôm mình đến ông Thăng đang bị sốt, không ngồi dậy nổi mà tuổi ông cũng già không đủ sức đi bán bánh mì nữa. Còn bà cụ thì cứ đi rề rề, mặt mày nhăn nhó vì đau nhức.

 Một bữa nọ, mình bất ngờ tới thăm và tặng quà cho gia đình nghèo nọ. Đúng ngay lúc họ đang ăn trưa và chụp lại bữa ăn này. Món canh là nước cơm, món mặn là mắm tép không có tép, chao, rau luộc, trứng chiên. Gia đình họ đông người, làm nghề bán vé số dạo

Đây là nồi cơm của một gia đình 5 người ở Mỏ Cày. Tất cả thành viên gia đình này đều bị bệnh tâm thần với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nồi cơm này họ nấu từ hôm qua, lớp cơm phía trên còn sống nhăn nhưng có vẻ họ vẫn ăn tuốt. Không biết đồ ăn mỗi bữa của họ là món gì. Bà con hàng xóm cho biết gia đình này mỗi lần nấu cơm là nấu hết toàn bộ số gạo họ có trong nhà bất chấp có ăn nổi hay không, dư hay thiếu, để dành hay không. Thí dụ như có ai cho gia đình tâm thần này 10 kg gạo thì họ sẽ nấu sạch 10 kg gạo ấy trong một ngày. Eo ơi ! Bởi thế mà hàng xóm luôn chia nhau túi gạo nhà họ, hôm thì hộ này nấu dùm một nồi, hôm thì hộ nọ nấu dùm một nồi.

Nhìn những món ăn của họ mới thấy thương. Mà cũng vì vậy mình quý mến các Cậu, các Dì vì tuy cũng ăn uống nhưng không đòi hỏi đồ mặn phải thịt nhiều, cá béo, ăn đồ chay cũng không đòi hỏi phải là những thứ cầu kỳ, mắc tiền mà đơn giản ăn là ăn cho vui vậy thôi ! Ăn để vui vẻ, có thêm sức khỏe mà đi giúp đỡ người nghèo khó vậy thôi !

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Có những bàn tay...

Có những bàn tay...

 Có những bàn tay chăm chỉ góp phần nuôi dưỡng những bàn tay... 

Có những bàn tay chữa trị cho những bàn tay... 

 Có những bàn tay giải khát cho những bàn tay... 

 Có những bàn tay trao những đồng tiền nhân ái đến những bàn tay... 

Có những bàn tay ấm áp chẳng quản ngại gió mưa mà đến thăm những bàn tay đang cần hơi ấm... 

 Có những bàn tay lớn tuổi nắm lấy bàn tay lớn tuổi hơn...

Có những bàn tay to khỏe nắm lấy những bàn tay ốm o, đau yếu... 

Có những bàn tay mang đến nụ cười cho bằng hữu... 

 Có những bàn tay mang đến sự cảm thông mà cô giáo dành cho học trò...

Có những bàn tay yêu thương của ông bà nắm lấy những bàn tay con cháu... 

 Có những bàn tay nắm lấy những bàn chân tật nguyền...

Có những bàn tay lành lặn nắm lấy những cái tay không còn bàn tay...

Và còn nữa...Còn nhiều lắm những bàn tay khác... Tất cả đều san sẻ nhau tình thương đồng loại.

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Tết Đoan Ngọ - Eo bánh xằng

Hê hê...Hôm nay mùng 5 tháng 5, ngày Tết Đoan Ngọ nè bà con ! Người Hoa thì ăn tết này có bài có bản còn người Việt mình cũng ăn theo cho dzui và nhóm các Cậu, các Dì cũng eo bánh xằng cho dzui. He he...! ^_^

 Chương trình được tổ chức vào buổi chiều tại nhà Cậu Diệp, Dì Liên. Công nhận Cậu và Dì chu đáo thật, Mỹ Hầu Tử qua tới nơi thì đồ nguyên liệu làm bánh đã chuẩn bị đâu đó cà rồi, chỉ việc chờ tới "giờ lành" thì đổ bánh lên ăn ngay cho nóng. Các khâu trước đó như pha bột, làm nhân, lặt rửa rau xanh phần nhiều do Dì Liên đảm trách còn Cậu Diệp thì làm "bếp trưởng" trực tiếp đổ bánh. Tài nghệ Cậu thật tuyệt, tư thế cầm chảo thật điêu luyện như...chiên trứng gà vậy. Khẹc khẹc...!

 Bạn Chù hôm nay nhân ngày mùng 5 tháng 5 cũng hưởng ứng phong trào 3 diệt : diệt trà, diệt bánh, diệt trái cây...vui cùng mọi người nè. Gì chứ trước lúc "A Quắn" mà cười thế này thì ăn mới ngon. He he !

Sau chừng 30 phút chiên, bánh được dọn lên kèm rau sống và nước mắm.


Loại bánh này gọi là "bánh xèo miền Tây" với kích thước lớn hơn và phần nhân nhiều hơn so với bánh xèo miền Trung vốn chỉ nhỏ cỡ cái tô và phần nhân hơi "nghèo nàn". Nhân bánh hôm nay có nào là thịt heo xào, nấm mối, tép tươi, giá đậu.v.v...Cậu Diệp chiên bánh dày hơn loại bánh mỏng như tờ giấy xút bán ở mấy cái gọi là "nhà hàng" nên dinh dưỡng trong mỗi bánh khá cao. Như Thầy Bình chén chừng 3 cái là kêu no rồi.

 Rau sống là loại thực phẩm không thể thiếu để ăn kèm với bánh. Vì cả nhóm cùng hợp lại ăn nên người thì hùn cải bẹ xanh,  người hái lá cách, lá cây cát lồi, riêng Thầy Bình Cô Tuyết hùn một túi rau thập cẩm đa dạng, nào là : lá cóc non, lá chùm ruột non, lá lốt, mơ lông, đọt nghệ, kim thất .v.v...thế mà Cô Tuyết còn nói thiếu lá bằng lăng và vài loại khác trong vườn nhà Cô nữa.

 Mâm cỗ hoàn chỉnh rồi nè. Ực...hồi chiều mình ăn tràn họng rồi mà giờ nhìn thấy lại thèm.

Bánh còn nóng hổi,
vừa ăn vừa thổi
Bánh cuộn với rau thành gói
Chấm với nước mắm mặn mòi
Đưa vô miệng nhai ngon còn phải nói
Ăn hết rồi khỏi phải xin lỗi.

(Hic ! Giống tụng Hip Hop quá!)

 Để ăn bánh xèo, mọi người nên ăn "kiểu Ấn Độ" tức là bốc bằng tay, chứ dùng đũa vừa bất tiện mà vừa không đúng phong cách ăn bánh xèo. Vì thích nhất là mỗi cuốn bánh cho vào miệng đều có chất lượng cao nên Mỹ Hầu Tử cuốn nào là lá cách lót dưới, kế là lá lốt, rồi lá chùm ruột, kim thất, cải xanh, thêm vài thứ rau hùm bà lằn nữa mới chồng miếng bánh lên (bánh luôn có nhưn ! ehehe), rồi cuộn tất cả lại thành một cuộn vừa mập mạp nhưng không to hơn cái miệng mình. Ôi...Ngoạm từng miếng bánh, sao mà ngon thế này, trong lưỡi cảm thấy vị béo ngọt của bột bánh, cái dai dai mặn mặn của thịt heo, giòn giòn của tép và giá đậu, vị ngọt ngọt của nấm mối, vị chua chua của lá chùm ruột, lá cóc, vị nồng nồng cay của cải xanh, nhớt nhớt của kim thất và thơm thơm đặc trưng của lá cách....Ôi...Ngon quá xá quà xa....


Ô ! Hôm nay Mỹ Hầu Tử gặp lại Cậu Sáu và Cô Sáu chủ vườn xoài dạo du lịch sinh thái cách đây mấy tháng nè. Nay xoài qua mùa rồi, Cậu và Cô nhân dịp rảnh này qua đây vui chơi cùng mọi người.

 Còn bạn Chù vừa ăn vừa hỏi loại rau này là rau gì, rau kia là rau gì, rau nọ là rau chi... Thầy Bình - Cô Tuyết vui vẻ chỉ rõ từng loại, thậm chí kể cả công dụng "bài thuốc dân gian" của chúng.

 Ngon quá ! Ngon quá !

Dì Liên nói: "Mọi người cứ ăn thoải mái. Còn nhiều rau lắm !!!" Hee...hee... !

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Du lịch cồn Lăng

Hi hi...Ngày vui cuối tuần, mình đã có dịp đi du lịch sinh thái vùng sông nước nông thôn cùng các Cậu các Dì nè ! Thiệt là một ngày đi chơi vui vẻ.
Điểm đến trong chuyến du lịch kỳ này là cồn Lăng. Ở miền Tây, khi gọi cái cồn thì cũng có nghĩa là cù lao, tức là nhờ sự vun bồi của phù sa ở thượng nguồn mà nổi lên thành một hòn đảo nhỏ giữa sông. Vì thế cồn Lăng cũng gọi là cù lao Lăng. Riêng mình cứ gọi là cồn Lăng rồi đăng lên facebook hỏi bà con cô bác chứ có cái Cồn Lăng không ? Nhiều người nói mình có ý tầm bậy ! Hu hu !

Khoảng hơn 9 giờ, sau khi đi từ thiện xong, cả nhóm tập họp lên đường sang cồn.

 Vì là qua cồn nên phải đi ghe đò hoặc phà. Đến bến phà Sơn Phú, mọi người mắc cười với tấm bảng chỉ đường "Bến xe hơi". Nếu đi đúng theo biển chỉ dẫn này thì khi xe hơi tới cứ việc quẹo theo mũi tên hướng dẫn và ...chạy thẳng xuống rạch luôn !

 Lên phà nè ! Hình như Thầy Bình mới uống nước dâu tằm xong nên cười thiệt là tươi.

 Đổ bộ lên cồn Lăng.

Ở cồn này chưa có khu du lịch nên mọi người sẽ đến nhà một người quen là dân sống và làm việc tại đây. Từ bến phà đến nhà người ấy phải đi bộ chừng vài trăm mét. 

 Mặc dù có xe máy do cậu Xum và Diệp đưa đón nhưng nhiều người thích đi bộ. Vừa đi vòng vo dưới bóng những rặng dừa xanh, vừa ngắm cảnh nông thôn. Thật thú vị. Thầy Nguyên Minh đi bộ khỏe lắm, không thấy Thầy mệt tí nào.

Dọc hai bên đường đi là vườn tược cây ăn trái của người dân trồng. Nào là bưởi, chanh, mít...Thấy mấy trái mít ngon quá mà vì là của người ta nên Thầy V.Đ.Bình tới chụp hình lưu niệm thôi chứ hông có hái.

Đến nhà người quen rồi. Đây là nhà của người em cậu Diệp. Họ là những người nông dân, có đất và trồng các loại cây ăn trái đặc sản, đặc biệt là bưởi da xanh.

 Sau ít phút nghỉ ngơi, mọi người lên đường ra vườn bưởi của gia đình. Mình rình chộp được Cô Nết và Cô Tuyết đang ăn chuối ! He he...

 Cồn Lăng đất đai màu mỡ nên cây cối cũng xanh um. Dường như bưởi là giống cây được người ta trồng nhiều nhất.

 Chủ nhà nấu sẵn chuối sáp đãi mọi người. Trên đường ra vườn, Cậu Xum mang theo dĩa chuối cho mọi người vừa đi vừa ăn.
 Bưởi da xanh là giống đặc sản. Đất cồn Lăng là đất phù sa nên trồng cây rất tươi tốt. Chủ vườn này trồng bưởi và bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài.

Trái nào trái nấy to, đẹp, xanh tươi.

 Bưởi được gọt ăn ngay tại vườn. Thích lắm ! Cậu Diệp tình nguyện lột vỏ bưởi với tinh thần "Phụng sự chúng sinh là cúng dường cho chư Phật" ! Hehe !

 Bưởi vừa lột ra nhìn ngon lắm bà con ơi !



Ai ăn bưởi hônnnnng....

 Từng múi bưởi mọng nước nhìn đã mắt, mùi bưởi thơm thoang thoảng the the. Ôi...Thèm quá đi thôi...Nước miếng chảy ròng ròng...


 Thầy Nguyên Minh được mời dùng miếng bưởi đầu tiên. Nhìn Thầy cười tươi thế đủ biết bưởi ngon cỡ nào.

 Tiếp theo là các Cậu và các Dì. Bọn trẻ đi theo cũng ăn bạo lắm ! Như mình thì đúng A Quắn, ăn no nốc, đi chậm rì thấy rõ.

Dưới bóng mát cây vườn, mọi người vừa ăn bưởi vừa tán gẫu chuyện Đông Tây Nam Bắc...

...tới trưa mới trở vô nhà và A Quắn cơm canh chủ nhà đã chuẩn bị sẵn từ sớm.

Cơm canh xong rồi, mọi người uống trà nghỉ trưa. Thầy Bình, Cô Tuyết có tư thế ngồi với độ nghiêng giống nhau đến lạ.

Mình thì sau vài tuần trà bèn xách máy đi dạo quanh chụp cảnh nhà quê. 

Nhà ở đây là nhà gỗ dựng đã lâu.

Cửa sổ, vách bằng gỗ...

 Chái lá. 

Mình mời một số "người mẫu" ra làm kiểu.

Cô Tuyết làm "người mẫu ảnh U-60" tạo dáng đứng bên cây cột nhà bị mối ăn với chủ đề gợi nhớ cảnh quê xưa. Ngày nay nhiều khu nghỉ dưỡng (resort) cố gắng tạo dựng, tái hiện không gian nhà nông thôn xưa bằng những ngôi nhà lá, vách gỗ, lót gạch tàu... nhưng người ta sẽ không tài nào làm ra được cây cột nhà bị mối mọt ăn lỗ chỗ thực sự như thế này.

Chụp seri hình người mẫu xong, mình cùng mọi người ra bờ sông ngắm cảnh, hóng gió. Đứng bên này là cồn Lăng, bên kia sông là một cồn khác, xa hơn nữa là huyện Mỏ Cày.

Ố ồ ! Dì Mai đang hóng gió nè ! Giống trong phim "Titanic".

 Không gian, cảnh trí hữu tình nên ai cũng muốn ghi lại kỷ niệm.

Đổi thêm một kiểu khác nữa. 
Hình đẹp nhỉ ? Hôm nay là sinh nhật của một người có mặt trong hình này. Xem như là có hình lưu niệm nhé ! Hi hi...

 Đã gần chiều rồi, về thôi ! Chuyến đi hôm nay vui không kém lần du lịch sinh thái vườn xoài dạo trước.

 Vợ chồng Cậu Xum chia nhau miếng mít nè. Chủ nhà vườn thật chu đáo, khách đến chơi rồi mà còn được tặng thêm trái cây mang về.


Tấm này mình chụp tặng Thầy Nguyên Minh theo phong cách "hình xưa".